"Tôi học đại học niên khóa bắt đầu từ năm 2002 ở TP HCM. Thời đó phòng trọ có giá thuê một triệu đồng một tháng là có được một căn phòng bình thường. Cơm 10.000 đồng một dĩa là đã có một bữa no bụng. Vé xe khách 40.000 đồng một vé. Học phí mỗi kỳ dao động quanh mức 600.000 đồng trở lại, tùy ngành học. Thật may mắn vì được đi học, vì thời đó nhà tôi rất nghèo".
Độc giả Phan Long chia sẻ chi phí sinh hoạt thời đại học như trên, sau bài viết Lý do khiến hơn 122.000 thí sinh bỏ nhập học đại học. Trong bài viết này, nhân vật chỉ đỗ nguyện vọng "dự phòng", lại cần ít nhất gần 20 triệu đi nhập học, nên quyết định bỏ.
Đây là một trong hơn 122.000 thí sinh đỗ nhưng bỏ nhập học, chiếm 18,13% số thí sinh trúng tuyển đợt 1. Đại diện một số trường nhận định việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó đầu tiên là do học phí cao.
Độc giả nickname Kevin nhớ lại cách đây 15 năm, học phí một học kỳ chỉ bằng một tháng lương làm thêm: "Cách đây 15 năm, học phí một học kỳ (3,5 tháng) chỉ bằng một tháng lương làm thêm. Chỉ cần trích 40% số tiền làm thêm hàng tháng là đến kỳ tiếp theo có thể đóng đủ học phí. Nay, học phí một học kỳ bằng 3-5 tháng lương làm thêm, nên hầu như phải phụ thuộc vào gia đình là chính. Gia đình khó khăn thì chấp nhận bỏ cuộc".
Những năm gần đây, chi phí học tập và sinh hoạt đã tăng, độc giả Seven Love ước tính: "Chi phí trung bình cho 4-5 năm học là tầm 400-500 triệu đồng. Nếu học nghề thì tiết kiệm hơn. Với gia đình có điều kiện thì không sao, nhưng với gia đình bình thường, chi phí này khá lớn, và chưa có gì đảm bảo sẽ thu hồi được.
Tôi nói thực tế, chứ không nghĩ sâu xa như nhiều người nào là những thứ không thể tính bằng tiền, trải nghiệm, tích lũy kiến thức gì đó. Học gì thì mục đích cuối cùng cũng là có một công việc. Sau này, ai thành công hơn ai là nhờ kỹ năng mềm nhiều hơn".
Độc giả Jen cung cấp một cái nhìn cụ thể hơn về chi phí học đại học các thành phố lớn:
"- Học phí: 20-30 triệu đồng một năm.
- Thuê phòng trọ tại các thành phố lớn: tầm 30 triệu đồng mỗi 12 tháng.
- Chi phí sinh hoạt, điện nước và đi lại tiết kiệm nhất cũng tầm 3 triệu đồng một tháng, hơn 30 triệu đồng mỗi 12 tháng.
Tổng cộng chi phí nuôi con ăn học ở thành phố lớn gần 100 triệu đồng một năm. Chi phí ăn học quá đắt đỏ, vào trường công lập có ký túc xá thì đỡ hơn một chút. Ra trường chưa chắc có việc làm với thu nhập tốt, đầu tư vào học tập bây giờ coi như giúp con có cái nghề và kiến thức, chứ lời lỗ thế nào chưa biết".
Độc giả nghiemtri1984 có hai con, trăn trở: "Tôi có hai đứa con, nhưng với tình trạng hiện nay lương thấp, học phí, phụ phí, sinh hoạt phí cao chót vót, chỉ có thể gắng gượng lo được đến hết cấp III.
Nếu con học thật giỏi thì còn cố vay mượn cho học đại học, còn làng nhàng thì cho đi học nghề, vì học phí đầu vào với chất lượng đầu ra của các trường đại học hiện nay không tương xứng".
Trong khi đó, độc giả doanvanduong nhìn nhận vấn đề dưới góc độ lựa chọn ngành học và trường đại học, phần lớn sinh viên bỏ nhập học là do không trúng tuyển đúng ngành hoặc trường đại học mà mình mong muốn:
"Phần lớn các em bỏ nhập học đại học là do không trúng tuyển đúng ngành hoặc trường đại học mình mong muốn. Vì vậy, cũng khuyên rằng nếu thí sinh đăng ký ngành nghề mình mong muốn mà chỉ trúng tuyển từ nguyện vọng bốn trở xuống thì bỏ nhập học cũng không tiếc nhé. Học phí gia đình có thể tự xoay xở được nếu trúng tuyển đúng ngành của trường đại học mình yêu thích".
Cuối cùng, độc giả Nt BạchMai kể về hành trình đến với đại học của bản thân:
"Năm 2000, tôi tốt nghiệp cấp III nhưng biết gia đình không có tiền cho tôi học đại học nên quyết định đi làm công nhân may. Tôi làm công nhân may chăn ga gối nệm, phụ bán cơm, công nhân thủy sản, đi học trung cấp, đi làm rồi đi học đại học bằng tiền của mình vì mình vừa học vừa làm. Con đường đến đại học của tôi cũng lâu nhưng đã làm được. Hãy cố gắng nhé các bạn trẻ".
Hữu Nghị tổng hợp