Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: 'Áp lực tăng trưởng rất lớn'

26/10/2024
|
0 lượt xem
Kinh Doanh Vĩ Mô
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: 'Áp lực tăng trưởng rất lớn'

Tại Nghị quyết đầu tháng này, Chính phủ đặt mục tiêu kịch bản tăng trưởng năm 2024 ở mức cao nhất, là 6,5-7%. Mức này cao hơn so với mục tiêu 6-6,5% do Quốc hội đưa ra từ đầu năm và dự báo của các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, IMF dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2024 ở 5,8%, WB đưa ra mức 5,5%, ADB là 6%.

Tại hội nghị ngày 15/7, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận áp lực tăng trưởng năm 2024, 2025 rất lớn, năm sau phải phấn đấu cao hơn năm trước, để đạt kế hoạch 5 năm 2021-2025.

"Các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là địa phương đầu tàu kinh tế, vùng động lực, kinh tế trọng điểm cần nỗ lực hơn nữa để tăng trưởng bứt phá, đóng góp vào kết quả chung", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị, ngày 15/7. Ảnh: Mpi

Không chỉ áp lực tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá điều hành vĩ mô còn thách thức trong kiểm soát lạm phát, tỷ giá do áp lực từ bên ngoài, kỳ vọng người dân.

Trong khi đó, theo ông Dũng, tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn; đầu tư tư nhân, sức mua trong nước tăng chậm; chi phí sản xuất tăng cao. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm. Hay doanh nghiệp còn lúng túng, khó đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát thải carbon để duy trì sức cạnh tranh, đơn hàng tại thị trường xuất khẩu...

Trong khi tình hình doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn, một điểm sáng trong nửa đầu năm là nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng minh sự "hấp dẫn" với nhà đầu tư nước ngoài.

Tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ 2023, trong đó vốn đăng ký mới tăng 46,9%. Số vốn FDI giải ngân đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%, tăng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây.

"Đây sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo", Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu.

Song, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, xanh, AI, chíp, bán dẫn chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới, khu vực. Thể chế, chính sách còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ, phân cấp, quyền trong một số lĩnh vực, cơ quan, địa phương còn vướng.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bộ trưởng khẳng định cơ quan này sẽ đồng hành với tâm thế "vướng mắc của doanh nghiệp là khó khăn của ngành". Cụ thể, họ sẽ rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn không phù hợp thực tế,...

Ngoài ra, theo ông, các đơn vị chức năng cần tập trung tăng giải ngân vốn đầu tư công, tạo môi trường thu hút đầu tư tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cùng đó, ngành sẽ tiếp tục đổi mới cách tư duy, năng lực phân tích, dự báo và thống kê nhằm đảm bảo tham mưu chính sách kịp thời, chính xác.

Xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Quỹ hỗ trợ đầu tư, đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược cũng được lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư đặt ra. Theo ông, việc này sẽ giúp Việt Nam thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Phương Dung

Tin liên quan
Tin Nổi bật