Đề minh họa lớp 10 'giàu thực tiễn, phân hóa tốt'

18/09/2024
|
0 lượt xem
Giáo Dục Tin Tức
Đề minh họa lớp 10 'giàu thực tiễn, phân hóa tốt'

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chiều 29/8 công bố cấu trúc, đề minh họa thi lớp 10 năm tới của 7 môn, gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học.

2025 là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018). Hiện, Hà Nội là địa phương duy nhất công bố đề minh họa.

Đề minh họa 7 môn thi lớp 10 năm 2025

Cô Phùng Thu Hằng, Tổ trưởng Ngữ văn - Giáo dục công dân, trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, nói tâm đắc và hào hứng vì đề minh họa vừa có sự mới mẻ, đáp ứng các thay đổi của chương trình mới, vừa mang đến cảm giác yên tâm vì cấu trúc và thời gian làm bài hợp lý.

Đề có hai phần Đọc hiểu và Làm văn, lần lượt 4 và 6 điểm, thời gian làm bài là 120 phút. Theo cô Hằng, phần Đọc hiểu có 5 câu hỏi, trải đều các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Trong đó câu 5 nêu vấn đề "dường như con cái với cha mẹ ngày càng thiếu sự gắn kết" và để học sinh nêu giải pháp.

"Đây chính là phần thực tiễn, kết nối với cuộc sống, giúp đề thi trở nên thú vị, còn học sinh biết ứng dụng những thứ mình học vào thực tế", cô Hằng nói.

Với phần Làm văn, câu nghị luận văn học yêu cầu viết đoạn văn, còn nghị luận xã hội viết bài. Tất cả ngữ liệu được lấy ở ngoài sách giáo khoa. Cô Hằng đánh giá đề kiểm tra được kỹ năng tạo tập văn bản của học sinh.

Đây cũng là nhận xét của thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Hệ thống giáo dục Hocmai, về đề thi Toán.

Về cấu trúc và số lượng 5 bài, đề minh họa không khác nhiều các năm trước. Tuy nhiên, thầy Cường nhận thấy đề tăng các câu hỏi có tính ứng dụng, kiểm tra khả năng đọc hiểu và năng lực mô hình hóa Toán học, từ đó giúp phân loại thí sinh.

Thầy lấy ví dụ với câu đầu tiên của bài 3, với câu chuyện bác Tiến chia 400 triệu đồng cho hai khoản đầu tư, đề thi yêu cầu học sinh tính số tiền lãi; hay bài 4 đề cập tới dạng hình khối của các đồ vật trong thực tế.

Ngoài ra, bài 5 với 0,5 điểm, được đánh giá khó nhất, không những kiểm tra tính ứng dụng thực tiễn của kiến thức về bất phương trình - bất đẳng thức, mà còn có nội dung về hình học không gian.

Thí sinh Hà Nội làm thủ tục thi lớp 10 tại điểm thi trường THCS Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, tháng 6/2023. Ảnh: Tùng Đinh

Hai môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cũng nhận được đánh giá tích cực từ giáo viên.

Cả hai đều theo hình thức trắc nghiệm, làm trong 60 phút. Ngoài dạng câu hỏi chọn đáp án, đề minh họa có hai dạng bài mới là lựa chọn đúng/sai và điền đáp án. Với mỗi câu trả lời đúng, thí sinh được 0,25 điểm; riêng dạng lựa chọn đúng/sai, cách tính điểm có khác biệt. Thí sinh được tối đa một điểm nếu chọn đúng hết 4 câu, 0,5 điểm cho 3 lựa chọn đúng, 0,25 và 0,1 điểm lần lượt cho số câu đúng là 2 và 1.

"Đề vừa có dạng quen thuộc, vừa có dạng mới, có thể kiểm tra kiến thức liên môn và tư duy của học sinh", cô Lê Linh Chi, giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, trường THCS Chương Dương, nhận định.

Đề minh họa hỏi về Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển, mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam, hay vai trò của các nhà lãnh đạo ở những sự kiện lịch sử quan trọng.

Thầy Nguyễn Tuấn Anh, giáo viên Khoa học tự nhiên, trường THCS Chương Dương, cho rằng hai dạng câu hỏi mới sẽ giúp phân loại học sinh rõ rệt, bởi các em không thể chọn bừa mà phải thực sự hiểu mới làm được.

Tính thực tế thể hiện qua việc đề cập tới nhiều sự vật, vật chất, thậm chí các loại lực quen thuộc trong cuộc sống, hay câu hỏi về chiều cao thực tế và bóng đổ của một cây xanh trên sân trường...

Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết đề minh họa được các chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm xây dựng trong khoảng 3 tháng. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để Sở làm ngân hàng câu hỏi và biên soạn đề thi chính thức.

Việc có đề minh họa trước khi năm học mới giúp các thầy cô phấn khởi và yên tâm xây dựng định hướng giảng dạy.

"Thầy cô không phải mò mẫm, đoán đề nữa, mà có căn cứ để ôn luyện cho học trò", cô Chi nói.

Thầy Tuấn Anh cho biết ngay chiều hôm qua, các tổ chuyên môn của trường THCS Chương Dương đã họp để bàn phương án ôn luyện cho học sinh. Các bài kiểm tra của trường sẽ bám sát cấu trúc đề minh họa, giúp học sinh nắm vững kiến thức và có phương pháp làm bài hợp lý.

Mỗi năm, Hà Nội có khoảng 110.000 học sinh đăng ký thi lớp 10. Trong 6 năm qua, có 4 lần kỳ thi được tổ chức với ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; năm 2019 và 2021 thi thêm môn thứ tư là Lịch sử.

Phương án và số môn thi lớp 10 năm 2025 dự kiến được Sở Giáo dục và Đào tạo công bố vào tháng 3.

Thanh Hằng

Tin liên quan
Tin Nổi bật