BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Oanh, Đơn vị Niệu Nữ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ mãn kinh là dạng phức tạp, điều trị khó khăn hơn và có nguy cơ tái phát cao. Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ mãn kinh dễ tái phát bệnh.
Suy giảm nội tiết tố sinh dục: Nồng độ các nội tiết tố sinh dục ở phụ nữ trong tuổi sinh sản duy trì ổn định nên các tổ chức ở âm đạo và niệu đạo phát triển tốt, có khả năng chống đỡ tốt với vi trùng. Chúng còn tạo môi trường pH âm đạo ổn định duy trì dịch âm đạo có tính axit. Vi trùng không thể bám dính vào vùng quanh niệu đạo, ít xâm nhập vào hệ tiết niệu.
Suy giảm nội tiết tố estrogen làm thoái hóa niêm mạc của âm đạo, niệu đạo, cổ bàng quang và tam giác bàng quang (vùng tạo bởi hai lỗ niệu quản và cổ bàng quang). Từ đó, niêm mạc bị suy giảm khả năng đề kháng với vi trùng, tạo điều kiện cho nhiễm trùng tiểu tái lại và trở thành mạn tính.
Suy giảm hormone estrogen ở phụ nữ mãn kinh cũng dẫn đến thiếu hụt lớp glycosaminoglycan (GAG) bảo vệ. Lúc này các chất độc trong nước tiểu thấm xuống dưới niêm mạc gây đau, tạo điều kiện để vi khuẩn dễ bám dính vào bề mặt bàng quang gây bệnh.
Bác sĩ Hồng Oanh tư vấn cho một người bệnh nữ. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Suy giảm chức năng co bóp của bàng quang: Do tuổi tác, sức co bóp của cơ bàng quang suy giảm, các khối cân cơ sàn chậu mất săn chắc khiến các cơ quan vùng chậu như tử cung, bàng quang, trực tràng có thể bị sa khỏi vị trí bình thường, dẫn đến tiểu khó. Sức chứa bàng quang giảm khiến bệnh nhân đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm, nước tiểu tồn lưu nhiều là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và bệnh tái phát.
Một số bệnh mạn tính: Phụ nữ mãn kinh mắc một số bệnh mạn tính như tiểu đường, suy dinh dưỡng... làm suy giảm sức đề kháng, nên dễ mắc và tái phát nhiễm trùng tiểu. Bệnh dễ tiến triển nặng hoặc chuyển sang mạn tính, khó điều trị.
Rối loạn tâm lý: Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ cao gặp phải các rối loạn tâm lý như dễ bị xúc động, hay lo lắng hoặc tâm trạng không ổn định. Điều này cũng làm giảm khả năng đề kháng của niêm mạc bàng quang và niệu đạo.
Phụ nữ bị nhiễm trùng tiểu thường tiểu buốt, tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp, có khi tiểu máu đại thể, đau vùng phía trên xương mu. Những trường hợp diễn tiến nặng, phát sinh biến chứng như viêm thận, viêm bể thận, nhiễm khuẩn huyết... có thể đe dọa tính mạng.
Theo bác sĩ Hồng Oanh, điều trị nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ mãn kinh phức tạp hơn ở phụ nữ trẻ. Ngoài điều trị kháng sinh, người bệnh cần kết hợp với các biện pháp khác như đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục, tránh thụt rửa âm đạo, uống nhiều nước, chống táo bón, giảm căng thẳng. Phụ nữ nên bổ sung thực phẩm tăng cường sức đề kháng, duy trì cân nặng phù hợp, kiểm soát tốt bệnh nền như tiểu đường (nếu có) và sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trường hợp hay tái phát nhiễm trùng tiểu cần đến bệnh viện khám, xét nghiệm nhằm xác định chính xác nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp, dứt điểm.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp