''Quá mệt mỏi vì càng cố càng xa tầm với, tôi đành chốt mua ở đây vì sợ chủ nhà lại tăng giá'', người đàn ông 33 tuổi nói.
Căn chung cư hai phòng ngủ của họ hồi 2022 có giá 38 triệu đồng/m2, nay anh Đức phải mua với giá 64 triệu đồng. Căn hộ chỉ có nội thất cơ bản, cách chỗ làm của anh 10 km, cách công ty vợ 8 km. "Phải nhắm mắt mà mua mới có nhà chứ dự án này vợ chồng tôi đã đi xem hai năm trước và chê hết lời", anh Đức nói.
Hồi đó, vợ chồng đi khảo sát nhiều căn hộ khắp Hà Nội. Dự án ở khu Tây Bắc bị vợ anh chê thiếu tiện ích. Khu ở phía Tây Hà Nội xa chỗ làm, nhà không ban công nên tù túng. Căn hộ mà họ vừa xuống tiền mua, lúc đó anh Đức thấy không chỉ xa, còn đắt hơn nhiều so với mặt bằng chung. Nghĩ không nên còng lưng gánh nợ, lại phải chịu cảnh tắc đường, vợ chồng anh xác định đủ tài chính mới mua.
Nhưng năm nay, chủ nhà họ đang thuê đòi tăng giá từ 6 triệu đồng lên 8,5 triệu đồng. Vợ chồng anh tìm thuê chỗ mới nhưng mất cả tháng mà không thành.
''Các cụ nói 'an cư mới lạc nghiệp'", anh Đức nói với vợ về phương án chuyển sang phương án mua nhà. Xem lại các phương án cũ, họ choáng váng khi giá tăng phi mã, trung bình 64 triệu đồng một m2 (chưa gồm VAT và phí bảo trì). Hai năm qua, tiền tích lũy của gia đình tăng hơn 500 triệu, giá các căn hộ đều đã đắt hơn một tỷ đồng.
Họ nhận thấy căn hộ "đắt và xa ở ngoại thành" mình từng chê vẫn ổn nhất nên vay người thân, họ hàng và ngân hàng xuống tiền mua gấp.
Một góc khu chung cư nơi gia đình chị Kiều Nhung vừa mua tường rêu mốc, thấm dột, không sổ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ở Cầu Giấy, chị Kiều Nhung, 37 tuổi, từng tuyên bố không bao giờ bỏ tiền tỷ mua nhà không sổ, xây gần 20 năm trước như căn hộ mình đang thuê. Nhưng khi chủ lấy lại nhà để bán, chị mới thấm cảnh bấp bênh khi phải đi tìm chỗ trọ mới.
Bà mẹ đơn thân thuê một căn hộ ở chung với bạn. Nhưng sự khác biệt lối sống khiến họ đường ai nấy đi sau vài tháng. ''Lúc này tôi mới ước giá trước đây mua thì giờ đã yên ổn rồi'', Nhung nói.
Chị bắt đầu để ý đến hoạt động mua bán tại chung cư đang ở và phát hiện rất sôi động. Năm 2019, một gia đình trong chung cư này ở rao bán căn hộ 68 m2, giá 900 triệu đồng, không sổ hồng. Kiều Nhung kiên quyết không mua vì tính pháp lý không rõ ràng. ''Tôi nói với bạn rằng thà ở thuê vừa rẻ, vừa không phải thấp thỏm lo mất nhà lúc nào không hay'', chị nói.
Căn hộ ở khu chung cư không sổ hồng này năm nay có giá 1,7 tỷ đồng, đắt gần gấp đôi. Dù nhà chỉ có hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư, lại đã qua hai đời chủ, Kiều Nhung vẫn chấp nhận bán đất ở quê, vay ngân hàng mua, đổi lấy sự yên ổn. Căn hộ ở tầng một, ban công gần cột điện dây nhợ chằng chịt, trần nhà tắm bị thấm, mốc. ''Ở 15 năm thôi cũng được, coi như tiền bỏ ra thuê, nhưng được ổn định trong nhà mình'', chị nói.
Người dân sống ở khu tập thể cũ, cơi nới, có giá tiền tỷ, ở Cổ Nhuế, Nam Từ Liêm, tháng 10/2024. Ảnh: Phạm Nga
Chị Nguyễn Bích Thủy, một môi giới bất động sản ở Hà Nội, cho biết giá nhà tăng liên tục trong năm qua khiến nhiều người có nhu cầu sốt ruột, chấp nhận mua những căn hộ trước đây họ rất chê. Thậm chí, có nhiều gia đình chấp nhận mua nhà không sổ, giấy tờ phức tạp đổi lại giá rẻ hơn cả tỷ đồng. ''Thực tế, dù là các căn hộ cũ, xa trung tâm hay không sổ hồng giá đều tăng'', chị Thủy nói.
Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2024 của Bộ Xây dựng cũng cho biết, giá chung cư cũ tại Hà Nội tăng tới 25%. Theo đơn vị tư vấn dịch vụ bất động sản Savills, trên thị trường chuyển nhượng, giá chung cư tăng 41% theo năm. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người lao động tại Hà Nội chỉ tăng khoảng 8% theo năm, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường cho biết, những người ít tiền, có nhu cầu ở thực thường là người "nhắm mắt chấp nhận mua căn hộ không ưng ý" do bị tác động mạnh bởi tốc độ tăng giá.
Ngoài giá cả, theo ông Võ, tâm lý ''an cư lạc nghiệp'', muốn có một nơi là tài sản của mình góp phần thôi thúc người dân mua nhà không như ý. Bên cạnh đó, phân khúc cho thuê ở Việt Nam hiện không có tính ổn định. Pháp luật chưa có những quy định và ràng buộc chặt chẽ nên những người cho thuê sẵn sàng đuổi người đang ở, khi có người khác thuê với giá cao hơn.
"Với những gia đình con nhỏ, đồ đạc nhiều, suốt ngày đi thuê khiến họ rất mệt mỏi, muốn có chốn ổn định lâu dài'', ông lý giải.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết tăng trưởng thu nhập không đuổi kịp đà tăng bất động sản. Trong khi đó, nguồn cung ra thị trường hầu hết đều ở phân khúc cao cấp và thiếu nhà ở giá vừa túi tiền cũng là lý do nhiều người chấp nhận mua ngôi nhà không như mong đợi, để có chốn an cư.
Sau lần chuyển nhà duy nhất giữa năm nay, anh Nguyễn Ngọc Hùng, 32 tuổi, ở Cầu Giấy, quyết định mua căn hộ hai phòng ngủ ở một chung cư đầy tai tiếng thuộc quận Hoàng Mai. ''Khi tôi nói mua ở đây, mọi người đều can ngăn. Tôi biết những bất cập của nó, không ưng nhưng vẫn chọn, vì nó vừa túi tiền'', anh nói.
Nhà ở tầng 13, mỗi lần lên xuống, vợ chồng anh phải đợi thang máy hơn 30 phút. Nhiều hôm sợ muộn làm, họ chấp nhận đi bộ xuống. Trần nhà bị ngấm, thỉnh thoảng cả khu bị mất nước hoặc nước bị đục. Hồi tháng 9, khi bão Yagi đổ bộ, gió quật vào nhà làm cửa sổ rung bần bật, nước tràn vào.
Ông Đính cho rằng nếu căn hộ có giá hợp lý, dù xa hay tiện ích không như mong đợi, người dân cũng có thể cân nhắc đánh đổi, xem như tích lũy tài sản. ''Với những trường hợp như vậy, nên học cách thích nghi để có ngôi nhà của riêng mình'', ông nói.
Tuy nhiên, dù giá rẻ, ông khuyến cáo người dân không nên mua nhà không sổ, tránh rủi ro pháp lý. ''Nếu không đủ tài chính, thay vì mua nhà không sổ nên đi thuê, tích góp đủ tiền hoặc chờ các cơ chế chính sách hỗ trợ, ví dụ mua nhà ở xã hội'', ông nói.
Sau hơn một tuần chuyển về nhà mới, vợ chồng anh Thanh Đức ngày nào cũng mệt khi ra đường giờ cao điểm. Hai vợ chồng động viên nhau cố gắng làm trả nợ, có điều kiện sẽ mua ôtô để đi lại.
''Dù sao, có một cái nhà, cảm giác như có một lực đẩy mình về phía trước'', anh nói.
Phạm Nga