BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết như trên, nói thêm ước lượng tỷ lệ tiêm tăng gấp đôi trong tháng 5-8 (những tháng nghỉ hè), so với những tháng đầu năm. Họ tiêm vaccine để đáp ứng yêu cầu bắt buộc từ các quốc gia, trường học. Một số tiêm chủng nhằm chủ động phòng bệnh cúm, bạch hầu - ho gà - uốn ván, viêm gan A và B, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, thương hàn, phế cầu.
Như Bảo Trâm (28 tuổi, TP HCM) sẽ du học tại Mỹ vào tháng 10. Nhà trường yêu cầu sinh viên phải có giấy xét nghiệm kháng thể hoặc chứng nhận tiêm các loại vaccine như Covid-19, bạch hầu, sởi - quai bị - rubella, não mô cầu ACYW-135, viêm gan B, thủy đậu.
Trâm cho biết từng tiêm nhiều loại vaccine, nên còn thiếu mũi ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván, não mô cầu ACYW-135. Sau đó, cô chủ động tiêm thêm mũi ngừa HPV, cúm để chủ động bảo vệ sức khỏe.
"Ở nước ngoài, việc mua thuốc điều trị bệnh phải theo quy định, người dân không được tự ý điều trị, đồng thời tốn kém nhiều chi phí và thời gian. Tôi muốn giảm bớt phiền toái, vì vậy chọn tiêm thêm một số vaccine", Trâm giải thích.
Còn Tuấn Nam (27 tuổi, Đà Nẵng) chuẩn bị du lịch Hàn Quốc, tiêm thêm vaccine cúm, bạch hầu - ho gà - uốn ván. Nam cho biết đã tìm hiểu về dịch bệnh tại nước sở tại và chọn tiêm vaccine phù hợp, đảm bảo có trải nghiệm du lịch tốt nhất.
Nhiều bạn trẻ đến VNVC tiêm vaccine trước khi đi nước ngoài. Ảnh: Mộc Thảo
Theo bác sĩ Đạo, tùy theo từng châu lục hoặc quy định của quốc gia, người dân sẽ được tư vấn, tiêm chủng một số loại tham khảo như sau:
- Châu Âu: viêm gan A và B, cúm mùa, thương hàn
- Châu Á: tả, viêm gan A và B, cúm mùa, viêm não Nhật Bản, dại, sốt rét, thương hàn
- Bắc Mỹ: viêm gan A và B, cúm mùa, thương hàn
- Trung và Nam Mỹ: viêm gan A và B, cúm mùa, bại liệt, dại, sốt rét, thương hàn, sốt vàng
- Châu Phi: tả, viêm gan A và B, cúm mùa, viêm não Nhật Bản, bại liệt, dại, sốt rét, thương hàn, sốt vàng
- Trung Đông: tả, viêm gan A và B, cúm mùa, viêm màng não, bại liệt, dại, sốt rét, thương hàn
- Châu Úc: viêm gan A và B, cúm mùa, viêm não Nhật Bản, dại
Bác sĩ nhấn mạnh thời điểm tiêm chủng tốt nhất là tối thiểu một tháng trước ngày khởi hành, có thể kéo dài hơn phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của điểm đến. Ngoài ra, người dân không nên có tâm lý chỉ chủng ngừa khi bắt buộc hoặc đi nước ngoài. Vaccine có thể tiêm theo mùa, theo độ tuổi, khi chuẩn bị kết hôn, mang thai. Đồng thời kết hợp các biện pháp khác như vệ sinh tay thường xuyên, dinh dưỡng đầy đủ, tập luyện thể thao đều đặn để chủ động bảo vệ sức khỏe mọi lúc, mọi nơi.
"Tiêm chủng còn giúp tạo miễn dịch cộng đồng, tránh lây nhiễm diện rộng tạo thành dịch", bác sĩ Đạo nói. Hơn 10 năm gần đây, nhiều dịch bệnh đã xuất hiện như Covid-19, sốt xuất huyết, sởi... Như bệnh sởi, WHO thống kê tỷ lệ tiêm chủng dưới 80% trong nhiều năm khiến 103 quốc gia bùng phát dịch bệnh trong giai đoạn 2019-2023. Covid-19 đã gây dịch bệnh và ảnh hưởng hàng triệu người giai đoạn 2020- 2022. Tả và thương hàn là các bệnh tiêu hóa có vùng lưu hành dịch tễ rộng, tại nhiều khu vực như châu Á, châu Phi, Trung và Nam Mỹ.
Một số bệnh khác không gây thành dịch song liên tục được y bác sĩ khuyến cáo phòng ngừa. Ví dụ phế cầu gây ra khoảng 600.000 ca nhiễm khuẩn, trung bình 1,6 triệu ca tử vong toàn cầu mỗi năm.
Mộc Thảo
20h ngày 27/8, Hệ thống tiêm chủng VNVC tư vấn trực tuyến chủ đề "Vaccine quan trọng cần tiêm cho người đi du lịch, du học & công nhân trong các khu công nghiệp", với các chuyên gia:
- BS Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC - BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC - Lý Thùy Thanh Mai, Quản lý CSKH, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chương trình phát sóng trên các kênh truyền thông của VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bạn đọc đặt câu hỏi tại đây.