Anh Thư nói cảm giác đầu tiên khi biết tin này là áp lực. Ngày vào đại học, Luật không phải lựa chọn ban đầu, Thư càng không nghĩ đến vị trí thủ khoa. Hôm 18/8, nữ sinh đại diện cho khoảng 1.700 tân cử nhân phát biểu trước toàn trường.
"Em chỉ giỏi ở một khía cạnh nào đó, ngoài kia còn nhiều bạn giỏi hơn. Em cũng không quen nhận được nhiều lời tán dương", Thư nói.
Anh Thư trong buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, tháng 6. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Thư cho hay thời phổ thông của mình ở trường THPT Bình Phú, quận 6, trôi qua rất trầm lặng, kết quả học tập tốt nhưng không thuộc diện nổi bật. Vốn yêu thích nhạc Kpop, Thư muốn đăng ký ngành Ngôn ngữ Hàn hoặc Hàn Quốc học nhưng bị mẹ phản đối, sợ khó xin việc. Suy đi nghĩ lại, nữ sinh nghe theo lời khuyên của chị, chọn học ngành Luật ở đại học.
Không giỏi Tiếng Anh nên khi trúng tuyển vào chương trình chất lượng cao của Đại học Luật TP HCM, Thư được tư vấn học tăng cường tiếng Pháp. Theo đó, cô học hai năm tiếng Pháp căn bản, rồi học một số môn chuyên ngành bằng ngôn ngữ này.
Thư bị sút 3 kg sau vài tuần học đầu tiên vì căng thẳng. Hồi cấp 3, mỗi khi được gọi phát biểu hoặc lên bảng làm bài tập, nữ sinh đều run, ấp úng. Khi thấy các bạn trong lớp học giỏi, phần nhiều đến từ các trường chuyên nổi tiếng, cô càng thu mình, ngại tham gia các hoạt động nhóm.
Khác với phổ thông, giảng viên thường yêu cầu Thư và các bạn tự nghiên cứu giáo trình và chủ động hỏi vì thời gian trên giảng đường có hạn.
"Mình tự hỏi không biết có học tiếp được không nhưng lại tự trấn an rằng người khác làm được thì mình cũng phải cố gắng làm được", Thứ nhớ lại.
Trước khi lên lớp, Thư đọc trước giáo trình một lượt, tra cứu các thuật ngữ chuyên ngành, điều luật để hiểu đúng khái niệm, cách vận dụng. Khi thầy cô giảng, nữ sinh ghi chép tất cả, gồm những ví dụ, so sánh, câu chuyện bên lề. Theo Thư, những nội dung này có thể không xuất hiện trong bài kiểm tra nhưng sẽ giúp bản thân hiểu kỹ và vận dụng về sau.
Về nhà, Thư đọc lại nội dung ghi chép. Ngoài ra, Thư tìm hiểu các bản án, án lệ để đào sâu nội dung đã học. Nữ sinh nhìn nhận nhờ thế mà quá trình ôn thi cuối kỳ khá nhẹ nhàng.
Hết học kỳ I, Thư đạt điểm tổng kết 3,38/4. Đây là cú hích khiến Thư phần nào tin tưởng hơn vào bản thân. Nữ sinh tích cực giao lưu, gắn kết với bạn bè. Song không được bao lâu, cả trường phải chuyển sang học online vì Covid-19. Ngồi trước màn hình máy tính vừa học chuyên ngành vừa học tiếng Pháp, cộng bối cảnh căng thẳng của dịch bệnh, Thư bức bối, chán học.
"Mình từng định tạm dừng một năm", Thư kể. "Nhưng nghĩ lại, dịch bệnh như thế thì gap year cũng không làm được gì, không có cách nào tốt hơn là tiếp tục học".
Nữ sinh sau đó tiếp tục duy trì sự kỷ luật bằng cách đặt ra kế hoạch chi tiết và hoàn thành đúng hạn. Vào các môn chuyên ngành, Thư thích thú khi tìm hiểu bối cảnh ra đời và quá trình biến đổi của các bộ luật, lý do luật các nước khác nhau dù cùng đề cập một vấn đề...
"Việc hiểu rõ bản chất, tinh thần pháp luật và cách vận dụng trong thực tế quan trọng hơn rất nhiều so với việc học thuộc lòng", Thư đúc rút.
Với tiếng Pháp, Thư xác định phải cố gắng bởi đây là ngôn ngữ để học môn chuyên ngành. Được học căn bản từ đầu với sự hỗ trợ của giảng viên, sau 4 năm, nữ sinh có thể bảo vệ trôi chảy luận án tốt nghiệp bằng ngoại ngữ này. Năm ngoái, Thư đã lấy chứng chỉ B1 tiếng Pháp.
Thư (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn trong lễ tốt nghiệp ngày 17/8. Ảnh: Thành An
Thạc sĩ Lê Trần Quốc Công, giảng viên khoa Luật quốc tế, đánh giá Thư rất chỉn chu, nghiêm túc trong học tập và có tư duy độc lập. Thầy cho hay Thư là một trong số ít sinh viên bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp với số điểm tuyệt đối.
"Thư dường như không quá áp lực, thay vào đó, mình cảm thấy sự hứng thú từ bạn ấy", thầy Công nhận xét.
Thư dự tính học tiếp thạc sĩ với mục tiêu trở thành giảng viên ngành Luật.
"Cột mốc hôm nay mới là sự khởi động, là một sự khích lệ với em nhưng phải nhanh 'quên' nó đi để nghĩ về những mục tiêu phía trước", Thư nói.
Lệ Nguyễn