Yêu cầu khắc phục việc thiếu công bằng trong xét tuyển đại học

11/09/2024
|
0 lượt xem
Giáo Dục Tin Tức
Yêu cầu khắc phục việc thiếu công bằng trong xét tuyển đại học

Đây là một trong những nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục đại học, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 24/8.

Bộ yêu cầu các trường đại học hoàn thành việc tuyển sinh năm 2024 theo chỉ tiêu, phương thức đã công bố.

Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Bộ đề nghị các trường công bố kịp thời các phương thức tuyển đầu vào, theo hướng "khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển", "có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông".

Bộ không nêu cụ thể việc này. Song thời gian qua, lãnh đạo Bộ và một số chuyên gia lo ngại về xét tuyển sớm với nhiều phương thức, khiến điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp bị đẩy lên cao.

Hôm 9/8, tại hội nghị giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói ngành giáo dục đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để phù hợp với toàn bộ đổi mới từ phổ thông đến đại học.

"Việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Các cháu trúng tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại", ông nói. Ngoài ra, việc này khiến số chỉ tiêu còn lại ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt.

Bộ trưởng nhấn mạnh các trường tự chủ cao trong tuyển sinh không có nghĩa thích làm gì thì làm. Việc tự chủ phải trong khuôn khổ các quy định. Vì vậy, thời gian tới, có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo phải điều tiết.

Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh. Theo thống kê, các trường đang sử dụng hơn 20 cách xét tuyển. Bộ nhiều lần khuyến khích các trường dùng điểm tốt nghiệp để xét đầu vào bởi cho rằng kết quả này có độ tin cậy, bớt tốn kém, đảm bảo công bằng.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các trường đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo.

Các trường cũng cần phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, đặc biệt ở các ngành trọng điểm, then chốt; tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.

Dương Tâm

Tin liên quan
Tin Nổi bật